Xây nhà là điều quan trọng trong cuộc đời mỗi con người bởi người Việt ta quan niệm “an cư lạc nghiệp”. Chính vì vậy mà khi lựa chọn vật liệu để xây nhà ai cũng phải đắn đo cân nhắc kỹ đặc biệt là việc lựa chọn vật liệu xây dựng. Gạch xây nhà là một trong những khâu quan trọng có tính chất quyết định đến sự bền vững của công trình. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại gạch xây nhà. Các loại gạch trong xây dựng nhà có những đặc trưng riêng biệt. Vậy chọn loại gạch xây nhà nào thì tốt nhất? Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây để tổng hợp thông tin và có cách lựa chọn phù hợp nhất.
Loại 1: Gạch đất nung hay gạch tuynel
Một trong những loại gạch đất sét được đánh giá là xây nhà tốt chính là gạch đất sét nung. Đây là loại phổ biến nhất và thường thấy nhất mà chúng ta hay dùng từ trước đến nay. Như tên gọi của chúng, đất sét sau khi được ủ kỹ, được đưa vào khuôn để tạo hình thành gạch mộc. Những viên gạch mộc này sẽ được đem đi phơi khô, đến một độ khô nhất định sẽ được chuyển vào lò nung và chúng ta được sản phẩm cuối cùng : những viên gạch tuynel, chúng có màu đỏ hoặc đỏ sẫm.
Hiện nay có rất nhiều gạch đất sét nung cho các gia chủ lựa chọn. Trong loại gạch này có các các loại: gạch đặc, gạch thông tâm và gạch 6 lỗ.
1. Gạch đặc – nhiều gia chủ lựa chọn gạch xây nhà
Kích thước trung bình khoảng 220 x 105 x 55 (mm) tương ứng với chiều dài – chiều rộng – chiều cao. Khối lượng 2- 2.5 kg/viên. Gạch đặc thường có 3 loại, chất lượng giảm dần A1, A2, B. Gạch đặc thường được sử dụng cho các công trình chịu áp lực lớn như: nhà công nghiệp, bể nước, hầm móng, bể phốt, tường nhà phố… Chúng ít hút ẩm, bền thẩm mỹ, chi phí lại vừa phải với hầu hết các công trình. Chúng đang đứng đầu danh sách các loại gạch có màu sắc tự nhiên vừa đem đến không gian sang trọng cổ kính (nếu làm mộc không trát) vừa là loại vâtj liệu lâu đời, chắc chắn, góp phần làm tăng tuổi tho công trình hiệu quả.
2. Gạch thông tâm (gạch 2 lỗ – gạch siêu nhẹ)
(Còn gọi là gạch 2 lỗ), Kích thước viên gạch 220x105x55, có 2 lỗ, màu đỏ hồng, hoặc đỏ sẫm. Thường xây tại những vị trí không chịu lực, hoặc không có yêu cầu chống thấm. Nếu là nhà cấp 4 thì có thể chọn gach thông tâm cho khu vực tường ngăn phòng. Tường bao ngoài có thể kết hợp gạch rỗng và gạch đặc.
Ưu điểm
Nhẹ hơn (do thông lỗ) và khả năng cách ấm cách nhiệt hoàn hảo nên hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của các công trình xây dựng. Gạch thông tâm 2 lỗ đạt TCVN 1450:1998 và TCN 1451:1998. Đây là loại gạch cao cấp và mang nhiều đặc tính tốt, dễ dàng phù hợp cho nhiều kiểu công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, vừa tiết kiệm thời gian chi phí cho chủ nhà mà vừa giảm bớt sự vất vả cho người thợ xây dựng.
Nhược điểm
Không dùng để chịu lực được, chống thấm kém, nếu dùng làm tường bao hoặc tường vệ sinh, bề mặt tường sẽ bị mốc. Chính vì thế, ở những vị trí xây này thì không nên sử dụng gạch thông tâm. Thay vào đó, CĐT nên chọn gạch đặc để tránh những nhược điểm của loại gạch này đem lại.
3. Gạch rỗng 6 lỗ
Kích thước loại gạch xây tường này phổ biến 220x105x150, có 6 lỗ, màu đỏ hồng, hoặc đỏ sẫm. Thường xây tại những vị trí không chịu lực, không có yêu cầu chống thấm, hoặc làm lớp chống nóng cho mái. Tường bao ngoài có thể kết hợp gạch rỗng và gạch đặc. Tên gọi khác còn gọi là gạch tuynel. Loại gạch này có thể xây được tường dày 150 (kể cả lớp trát sẽ dày 150).
Ghi chú
Nếu chịu quan sát, bạn sẽ thấy đối với gạch đất nung, những lô gạch khác nhau sẽ có những màu sắc chệnh lệch nhau. Vậy màu đỏ, cam hay đỏ sẫm mới là màu gạch tốt nhất?. Thực tế, màu đỏ cam là màu gạch cho thấy được sự nung chuẩn xác nhất, trong khi đó, gạch màu đỏ cho thấy gạch bị quá lửa, gạch màu cam nhợt cho thấy gạch chưa đủ độ chín…
Ngoài ra, khi chọn gạch, bạn cũng nên thực nghiệm độ chắc chắn, mới cũ của nó bằng cách đập bể một viên gạch. Nếu viên gạch khi bị đập bể có tiếng trầm, ấm, bột sét rỉ xuống dưới đất, cách cạnh mủn thì hãy loại bỏ ngay vì đó là gạch kém chất lượng. Ngược lại, bạn nên lựa chọn những mẫu gạch có âm thanh vang, trong, các cạnh sau khi bể sắc bén và ít mủn sét rơi dưới đất… Đây là loại gạch chắc chắn, có chất lượng tốt giúp cho công trình của bạn kiên cố vàn vững chãi hơn.
Loại 2: Gạch không nung
Đây là loại gạch được làm từ xi măng không qua lò nung. Sau nguyên công tự đóng rắn, đạt các chỉ số về cơ học, độ nén, độ hút nước. Người ta thường tăng cường độ bền của viên gạch nhờ lực ép, lực rung hoặc cả ép lần rung làm cho chúng kết dính với nhau. Gạch này được chính phủ và các tổ chức môi trường khuyên dùng. Các loại gạch không nung phổ biến: gạch xỉ hay gạch nhẹ chưng áp hay gạch bê tông. Cụ thể:
1. Gạch xỉ
Gạch xỉ được làm từ xỉ, đóng thành viên. Loại gạch xây dựng này thường thấy trong thời gian trước, còn hiện tại, loại gạch này không còn phổ biến nữa
2. Gạch nhẹ chưng áp (hay còn gọi gạch AAC)
Đặc điểm
Loại gạch xây dựng này được tạo nên từ hỗn hợp cát, đá nghiền mịn, kết hợp với vôi, xi măng, nước, thạch cao, hợp chất nhôm, có lỗ rỗng bên trong để có trọng lượng nhẹ, và giảm lượng vật liệu, sản xuất bằng công nghệ chưng áp. Trọng lượng riêng từ 350 kg/m3 đến 850 kg/m3 chỉ tương đương 1/2 gạch đặc, 2/3 gạch rỗng 2 lỗ, 1/5 tỷ trọng gạch bê tông thông thường. Do đó giúp giảm tải trọng tòa nhà giảm kết cấu móng dầm cột giúp giảm chi phí kết cấu và xây thô.
Tính năng
Gạch nhẹ chưng áp có nhiều tính năng vượt trội so với gạch đất sét nung truyền thống. Sản phẩm có tính năng cách âm, cách nhiệt, chống cháy, khả năng chịu địa chấn cao, dễ dàng thi công nhanh chóng có thể khoan cắt, đóng đinh. Do có thể giảm tải trọng công trình, giảm kết cấu nền móng, thi công nhanh, tiết kiệm vữa xây, bảo ôn tốt giảm chi phí xử lý cách nhiệt, giảm tiêu thụ điện năng, kích thước chính xác và dễ thi công nên hao hụt ít trong thi công,… giúp giảm đáng kể chi phí trong quá trình thi công và sử dụng công trình nên được sử dụng khá phổ biến.
Tuy nhiên, điều khiến người dùng cảm thấy phân vân nhất đó là giá thành của gạch khí chưng áp. Theo đó, loại gạch này có giá thành tương đối cao, đó là lý do vì sao nó thường chỉ được chọn lựa và sử dụng ở những công trình lớn.
3. Gạch bê tông
Đây là loại gạch xây dựng sử dụng phương pháp giống như trộn bê tông sau đó đổ thành khuôn định hình rồi mới đem đi xây dựng. Loại gạch này có trọng lượng rất nặng nên thường được dùng ở những vị trí móng. Hiện nay loại gach kiểu này không còn quá phổ biến nhưng vẫn còn có các địa phương còn sản xuất gạch bê tông.